Nhằm trao đổi, thảo luận, đưa ra định hướng, cơ chế đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong bối cảnh Trường Đại học Luật Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện thành công Đề án xây dựng trường trọng điểm, tiếp tục khẳng định và giữ vững vị thế hàng đầu trong đào tạo pháp luật, từng bước hướng tới đẳng cấp khu vực, sáng ngày 08/10/2015, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội đáp ứng yêu cầu trở thành Trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật và hội nhập quốc tế”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý khoa học của nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu pháp luật như: Viện Khoa học pháp lý, Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện đại học Mở Hà Nội… Hội thảo do TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì và kết luận Hội thảo.
Nội dung của Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Đánh giá cơ hội và thách thức của Trường Đại học Luật Hà Nội trong nghiên cứu khoa học nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là cơ sở nghiên cứu cơ bản và ứng dụng hàng đầu về pháp luật tại Việt Nam; kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu của Trường nói chung và của đội ngũ giảng viên nói riêng nhằm xây dựng Trường thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm học thuật và trao đổi ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam, khu vực và quốc tế; kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo luật trong nước…
Ngay từ khi thành lập, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý đã được xác định là một trong những sứ mạng của Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong suốt 36 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đóng góp tích cực vào các sự kiện chính trị-pháp lý của đất nước. Cán bộ, giảng viên Nhà trường đã chủ trì và tham gia 17 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 68 đề tài khoa học cấp bộ, hàng trăm đề tài khoa học cấp trường và hàng nghìn bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Trường đã xuất bản 122 bộ giáo trình hệ đại học, 26 bộ giáo trình hệ trung cấp, 33 sách tham khảo và nhiều ấn phẩm khác. Hệ thống giáo trình của Trường được sử dụng rộng rãi ở nhiều cơ sở đào tạo luật. Hàng năm trường tổ chức từ 2 – 5 hội thảo quốc tế, khoảng 20 hội thảo cấp trường và cấp khoa với những chủ đề thời sự, bám sát các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước, của ngành tư pháp…
Tuy nhiên, đặt trong mối tương quan với bề dày phát triển, nguồn nhân lực và sự kỳ vọng, những thành tựu trên còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh Trường Đại học Luật Hà Nội được xác định trở thành trường trọng điểm quốc gia đào tạo cán bộ về pháp luật, cần có tổng thể định hướng chiến lược, giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học mà còn phải tăng cường tính ứng dụng của sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn pháp lý.
Để thực hiện mục tiêu này, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý như: Cần sớm nghiên cứu, ban hành Định hướng chiến lược hoạt động nghiên cứu khoa học đồng thời ban hành hệ thống văn bản điều hành, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong Nhà trường; đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa, cơ chế tài chính nhằm tạo sự tích cực nghiên cứu trong giảng viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học… Bên cạnh đó, nhiều kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo khác được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo như: Ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngắn hạn, dài hạn; xây dựng hệ thống quản lý, điều hành về hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội; đấu thầu và tổ chức thực hiện đề tài khoa học của Trường Đại học Kinh tế quốc dân; chính sách đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ của Trường Đại học Ngoại thương… cũng là những kinh nghiệm quý báu để tiếp thu, vận dụng phù hợp tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học đặt ra cho Trường Đại học Luật nói riêng, các cơ sở đào tạo khác trong nước nói chung những nhiệm vụ nặng nề và thách thức rất lớn. Hội thảo được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn và cấp thiết trong bối cảnh Trường đang đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng trường trọng điểm quốc gia đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Kết quả của hội thảo là một trong những tiền đề quan trọng để Nhà trường đưa ra những định hướng cụ thể nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian tới./.
Quỳnh Hoa